Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình 

Tùy theo nguyên nhân gây rối loạn tiền đình mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trên thực tế, chứng rối loạn tiền đình có rất nhiều loại và hầu hết chúng đều lành tính, hoàn toàn có thể chữa khỏi dứt điểm được nếu áp dụng đúng cách

Trị chứng rối loạn tiền đình bằng thuốc

Điều trị nội khoa là phương pháp trị chứng rối loạn tiền đình phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, y học hiện đại vẫn chưa nghiên cứu được loại thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy phương pháp này chủ yếu kết hợp nhiều loại thuốc với nhau để tập trung kiểm soát triệu chứng bệnh.

Tùy theo mức độ rối loạn tiền đình nặng cấp tính (kéo dài trên 5 ngày) hay mạn tính (liên tục, tái phát thường xuyên) mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Vậy rối loạn tiền đình uống thuốc gì?

  • Thuốc Glucocorticoid: Điển hình là Methylprednisolon có khả năng chống viêm gây hoa mắt chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình.
  • Thuốc ức chế kênh canxi, đặc biệt chọn lọc mạch máu não: Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng chóng mặt như Cinnarizin (Stugeron), Flunarizin (Sibelium)…
  • Thuốc tăng tuần hoàn não: Có tác dụng thúc đẩy tăng tuần hoàn đến bộ phận tiền đình. Nhóm thuốc này có thể sử dụng lâu dài, duy trì điều trị sau giai đoạn cấp. Một số loại phổ biến như Almitrin – Raubasin (Duxil), Betahistin (Betaserc)…
  • Thuốc an thần: Thường được chỉ định sử dụng trong vài ngày đầu khi bị chóng mặt, giảm lo lắng do rối loạn tiền đình. Điển hình như Lorazepam, Diazepam…
  • Thuốc hỗ trợ điều chỉnh chức năng tiền đình: như Ginkgo bilola (Tanakan), Piracetam (Nootropyl)…

Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc trị rối loạn tiền đình nào cũng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ và người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối liều dùng, thời gian sử dụng để tránh gây ra những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình bằng vật lý trị liệu

Đây là một trong những biện pháp chữa rối loạn tiền đình hiệu quả không cần dùng thuốc được nhiều người chọn lựa. Cơ chế hoạt động của liệu pháp này là giúp kiểm soát sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình, làm tăng sự thích nghi với việc thay đổi tư thế, giúp người bệnh dần dần phục hồi khả năng duy trì cảm giác thăng bằng khi cử động, đi lại, xoay vòng hay lắc lư.

Hiện nay, có các liệu pháp phổ biến được áp dụng trong điều trị rối loạn tiền đình như:

  • Bài tập ổn định mắt: Bài tập này giúp hỗ trợ cải thiện khả năng kiểm soát sự chuyển động mắt để người bệnh nhìn rõ hơn trong quá trình chuyển động. Cách thực hiện đơn giản nhất như sau: người bệnh di chuyển đầu liên tục qua lại lên xuống hoặc qua hai bên vài phút.
  • Bài tập dựa vào thói quen: Nhằm làm giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình thông qua việc tiếp xúc trực tiếp và liên tục với các cử động nhất định gây kích thích. Bài tập này được khuyến khích tập luyện với mức độ nhẹ hoặc trung bình, để gây ra triệu chứng chóng mặt nhẹ. Dưới sự kiên trì chịu đựng của người bệnh và theo thời gian các triệu chứng sẽ giảm dần khi não bộ quen với sự kích thích.
  • Bài tập giữ thăng bằng: Giúp cải thiện khả năng duy trị sự thăng bằng để người bệnh thực hiện an toàn các hoạt động, cử động trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, các bài tập này cần phải có độ khó vừa đủ để đảm bảo an toàn tránh gây nguy hiểm cho bản thân.
  • Bài tập yoga: Đây là môn thể thao đem lại sự dẻo dai và điều hòa phần tĩnh trong cơ thể duy trì sự khỏe mạnh. Đặc biệt, người bị rối loạn tiền đình thường xuyên tập yoga giúp nâng cao hệ thống tuần hoàn mạch máu, tăng cường lưu lượng tuần hoàn và làm giảm nhanh chóng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do rối loạn tiền đình. Cụ thể mỗi lần bị nặng đầu, chóng mặt hãy dùng tay tự xoa bóp trán, hai bên gáy, vùng ổ mắt và vùng đỉnh đầu từ 10 – 15 phút sẽ giúp làm giảm các triệu chứng nhanh chóng.

Điều trị rối loạn tiền đình theo Đông y

Chứng rối loạn tiền đình theo Đông y thuộc phạm vi chứng huyễn vựng, có nghĩa là gây ra hoa mắt, chóng mặt, cảm giác như trời đất quay cuồng, dễ té… Cũng như Tây y, các nguyên nhân gây ra chứng bệnh này rất đa dạng, có thể do đàm ẩm, khí hư, huyết hư, thận thủy bất túc – mệnh hỏa suy…

Vì vậy, để đạt được kết quả khả quan khi chữa bệnh bằng phương pháp này chỉ cần tập trung vào bồi bổ sinh khí huyết, tư âm dưỡng huyết, bổ thận tráng dương, dưỡng tâm an thần…

Các bài thuốc đông điều trị rối loạn tiền đình

  • Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị: Dùng để cải thiện các chứng như choáng váng, tinh thần mệt mỏi, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, nhìn không rõ, tâm hồi hộp, buồn nôn. Chuẩn bị: thục địa, đan bì, trạch tả, bạch thược, mẫu lệ, hoài sơn, bạch linh mỗi loại 12g, cúc hoa, thạch quyết minh, sơn thù, hà thủ ô mỗi loại 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống và kiên trì trong vòng 4 – 6 tháng.
  • Bài thuốc Thiên ma Câu đằng ẩm gia giảm: Giúp cải thiện tình trạng đầu mắt choáng váng nặng đến mức không ngồi được, bứt rứt, khó chịu, tâm phiền, đầy bụng, buồn nôn, mất ngủ, đau thắt lưng… Chuẩn bị các loại dược liệu gồm: câu đằng, ngưu tất, tang ký sinh, đan bì, thạch quyết minh, đỗ trọng, hoàng cầm mỗi loại 12g, long cốt và thiên ma mỗi vị 8g, chi tử, long đởm thảo và mẫu lệ mỗi loại 10g. Sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày một thang, mỗi ngày uống 3 lần liên tục trong vòng 5 ngày.

Phương pháp không dùng thuốc

Bấm huyệt, châm cứu: Châm cứu, bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình đều là những phương pháp vừa hiệu quả vừa an toàn được nhiều người áp dụng. Các liệu pháp này giúp tác động đến một số huyệt đạo nhất định, thư giãn và kích thích tuần hoàn máu hoạt động trơn tru hơn, dần dần khắc phục chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình. Lưu ý biện pháp này cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia, lương y có tay nghề cao để tránh những rủi ro không đáng có.

Ngâm chân bằng nước nóng thảo dược: Nước nóng thảo dược sẽ giúp tác động làm giãn các mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn và giảm mệt mỏi, căng thẳng, nhờ đó giúp cải thiện chứng chóng mặt do rối loạn chức năng tiền đình hiệu quả.

Can thiệp ngoại khoa (nếu cần thiết)

Phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định thực hiện nếu biện pháp điều trị nội khoa dùng thuốc để làm giảm chóng mặt không đạt hiệu quả như mong muốn. Cộng với việc diễn tiến của bệnh ngày càng có xu hướng nặng hơn gây các biến chứng đe dọa đến sức khỏe và chức năng của một số cơ quan như mắt, tai… thì can thiệp ngoại khoa là điều cần thiết.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp phẫu thuật phù hợp. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến như:

  • Phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình;
  • Sửa lại dò tai trong hoặc cắt mê đạo;
  • Phẫu thuật lấy u thần kinh tiền đình trong ống tai trong;
  • Phẫu thuật điều trị u dây thần kinh số VIII;

Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa rối loạn tiền đình 

Bên cạnh áp tuân thủ đúng phác đồ trị rối loạn tiền đình do chuyên gia hướng dẫn, người bệnh cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để nhanh chóng dứt điểm bệnh và phòng ngừa tái phát lâu dài.

Về chế độ ăn uống

  • Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm như:
    • Acid folic: Giúp làm giảm bớt các rối loạn về thăng bằng ở người lớn tuổi nhờ khả năng khắc phục các tổn thương trong hệ thống tiền đình. Một số loại thực phẩm nên ăn như bánh mỳ, đậu phộng, mầm lúa mì, đậu trắng, rau chân vịt, nước ép cam, măng tây, bông cải xanh,…
    • Vitamin C: Có tác dụng giảm nhanh chóng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do chứng rối loạn tiền đình gây ra. Người bệnh có thể bổ sung vitamin C thông qua các loại rau xanh và trái cây như: trái cây họ cam quýt, dâu tây, kiwi, đu đủ, dứa, ổi, ớt chuông, cà chua, súp lơ xanh…
    • Vitamin B6: Hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, trong đó có khả năng điều hành tiền đình hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh triệu chứng buồn nôn, chóng mặt. Điển hình như: thịt gà không da, các loại cá béo, táo, chuối, bơ, hạnh nhân, hạt óc chó…
    • Vitamin D: Hỗ trợ phục hồi tốt biến chứng xơ cứng tai của bệnh rối loạn tiền đình. Nên ưu tiên bổ sung vitamin D thông qua các loại ngũ cốc, cá, trứng, sữa, các chế phẩm từ đậu nành, nấm…
  • Tránh ăn các loại thực phẩm, đồ uống quá mặn hay quá ngọt;
  • Người bị rối loạn tiền đình cần kiêng chất béo có gốc động vật như bò, lợn hoặc từ bơ, phô mai, kem béo… Vì hầu hết chúng đều chứa chất béo no dễ gây tắc tĩnh mạch.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, caffein vì sẽ càng làm tăng nặng triệu chứng ù tai, chóng mặt cũng như tác động xấu đến hệ thần kinh.
  • Uống đủ nước tối thiểu từ 1.5 – 2 lít để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình trao đổi chất, tăng tuần hoàn máu.

Về chế độ sinh hoạt

Việc chủ động nắm bắt những thói quen tốt trong sinh hoạt sẽ giúp người bệnh biết cách xử lý tạm thời khi lên cơn chóng mặt cũng như phòng tránh bệnh hiệu quả.

  • Khi bùng phát cơn chóng mặt dữ dội, đột ngột với dấu hiệu choáng váng, đứng ngồi không vững và thay đổi vị trí của đầu theo một hướng, người bệnh cần phải lập tức nằm yên một chỗ và đợi cho các triệu chứng qua đi.
  • Nên hạn chế việc thay đổi đột ngột tư thế.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn hằng ngày và thường xuyên kiểm tra xem bản thân có làm được 3 động tác cơ bản gồm chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8 – 10 phút; dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái; vung hai tay và quay mặt hết cỡ sang hai bên hay không.
  • Tránh stress, căng thẳng kéo dài, tốt nhất nên tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái, lạc quan và không ù lì, ngồi lâu một chỗ.
  • Ngủ đủ giấc, 7 – 8 tiếng/ ngày tùy theo thể trạng sức khỏe. Vì khi ngủ sâu tuần hoàn máu sẽ tốt hơn, giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng bệnh.
  • Hạn chế ở trong môi trường quá lạnh hay công việc phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

Tóm lại, rối loạn tiền đình là chứng bệnh do rất nhiều nguyên nhân gây ra và bệnh sẽ rất khó kiểm soát nếu không được phát hiện sớm điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường hãy nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân, mức độ bệnh nặng hay nhẹ và có chỉ định điều trị phù hợp từ bác sĩ chuyên khoa.

Đọc thêm các bài viết về rối loạn tiền đình tại đây >>>Rối loạn tiền đình: tất tần tật những điều cần biết (Phần 2)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X